Người ta hay nói, “Làm anh khó đấy, phải đâu chuyện đùa…”. Có thể nói, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã chứng minh mình là “người anh cả” trách nhiệm và nghĩa tình trong ngành Dầu khí…
“Người anh cả nghĩa tình” cũng chính là ý mà đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đã nhắc đến khi nói về Vietsovpetro nhân chuyến đi kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch vận hành trở lại Nhà máy Nhiên liệu sinh học (NLSH) Bình Phước và làm việc với Vietsovpetro, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty TNHH NLSH Phương Đông (OPF) vừa qua.
Vận hành thử hệ thống cứu hỏa
Sở dĩ, Vietsovpetro được khen ngợi như vậy là vì liên doanh đang thực hiện gói thầu bảo dưỡng, sửa chữa cho kế hoạch vận hành lại nhà máy giai đoạn 1 một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiến độ với tinh thần đầy trách nhiệm, nghĩa tình của một “người anh cả”.
Trước tiên có lẽ phải nhắc lại một chút về Nhà máy NLSH Bình Phước. Đây là 1 trong 5 dự án của PVN được Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ Công Thương trao một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2017 là gấp rút xử lý triệt để, sớm đưa vào vận hành trở lại. Để thực hiện chỉ đạo đó, PVN đã thành lập ra các tổ công tác chuyên trách xử lý từng dự án. Sau thời gian triển khai quyết liệt, đến nay công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng, lên “phác đồ” và tiến hành “điều trị” cho Nhà máy NLSH Bình Phước cũng như các dự án đã được triển khai hiệu quả.
"Sau khi khởi động lại nhà máy giai đoạn 1 trong năm 2018 để tranh thủ cơ hội nhu cầu về xăng sinh học, sang giai đoạn 2 (từ năm 2019 trở đi), OBF sẽ đầu tư thêm một số hạng mục như: Bổ sung hệ thống thu hồi CO2, hệ thống turbine phát điện, xưởng sản xuất phân vi sinh… để tối ưu hóa lợi nhuận với mục tiêu bù được toàn bộ chi phí và có lãi."
Như nhiều người biết, để vận hành lại một nhà máy từng dừng hoạt động trong một vài năm là hết sức phức tạp, bởi máy móc đã hư hỏng khá nhiều. Dễ hình dung là một chiếc xe máy, nếu cả năm không dùng đến thì khi muốn nó chạy trở lại, có lẽ phải tháo hết máy móc ra mà sửa chữa, phục hồi, thay thế nhiều linh kiện. Vì vậy, công tác bảo dưỡng, sửa chữa giai đoạn này đối với Nhà máy NLSH Bình Phước là đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định. Gói thầu này do Liên danh Nhà thầu Licogi16 và Vietsovpetro thực hiện, cụ thể là Xí nghiệp Cơ - Điện.
Các bên đã hoàn thành ký kết hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 2-4-2018. Nhưng để đẩy nhanh tiến độ, Vietsovpetro đã bắt đầu triển khai công việc trên công trường từ ngày 23-3-2018. Anh Đậu Văn Phúc, Phó trưởng ban Thiết bị Dầu khí của Xí nghiệp Cơ - Điện được phân công làm Phó trưởng ban Dự án, Chỉ huy trưởng công trường. Anh Phúc cho biết, có tổng cộng khoảng 30 nhân sự Vietsovpetro tham gia đợt bảo dưỡng, sửa chữa này. Trong số đó, có những người hơn 1 tháng rồi vẫn chưa có dịp về thăm gia đình. Lý do không phải khoảng cách địa lý từ Bù Đăng, Bình Phước về Vũng Tàu quá xa mà vì các anh phải làm suốt ngày cả thứ Bảy và chủ nhật để kịp tiến độ mà Vietsovpetro đã cam kết với phía nhà máy.
Anh Phúc thừa nhận, vì tiến độ được thúc ép rất gấp nên anh em khá căng thẳng. Phía Vietsovpetro đảm nhận thực hiện tới hơn 400 đầu mục công việc. Thực ra, con số đó không phải là quá nhiều trong một kỳ bảo dưỡng nhà máy. Hơn nữa, người của Vietsovpetro lại là những chuyên gia, kỹ sư, thợ lành nghề, có nhiều năm kinh nghiệm nên trình độ tay nghề, chuyên môn rất vô tư. Song, khó khăn lại nằm ở những vấn đề khác bởi những đặc thù của nhà máy.
Đội ngũ Vietsovpetro đang bảo dưỡng sửa chữa
Thứ nhất, một số hạng mục khi tháo ra thì phát hiện đã gần như hư hỏng hoàn toàn, phải sửa chữa, thay thế. Nhưng việc lên kế hoạch mua thiết bị mới thay thế không đơn giản theo kiểu thiếu gì là chạy mua nấy mà phải làm thủ tục, hợp đồng mất thời gian ít nhất 1 tuần trở lên. Cho nên có những hạng mục được tháo ra rồi để đấy. Nhưng để công việc được chạy liên tục, kịp tiến độ thì mọi người sẽ tập trung sang làm những hạng mục khác, khi có vật tư thiết bị rồi mới quay lại làm tiếp.
Thứ hai, máy móc thiết bị bị hư hỏng lặt vặt rất nhiều, phải được sửa chữa, gia công. Nhưng cơ sở gia công nằm cách xa nhà máy 50-60km, nên có khi để làm việc đó phải mất cả buổi.
Ở nhà máy, thiết bị máy móc hỗ trợ công tác bảo dưỡng sửa chữa thiếu thốn đủ thứ. Tất nhiên, điều đó là không thể tránh khỏi với một nhà máy mà tính ra thì tuổi đời hoạt động còn quá “trẻ” như Nhà máy NLSH Bình Phước. Có nhiều công việc cần có máy móc, xe nâng hỗ trợ, nhưng ở đây tất cả đều được thay thế bằng sức người là chính. Còn đối với những thiết bị “siêu trọng” thì bắt buộc phải thuê xe cẩu, xe kéo để thực hiện. Các loại xe này phải thuê từ huyện Đồng Xoài về, nhưng để tìm ra chỗ mà liên lạc và thuê được xe cũng tốn khá nhiều thời gian.
Kế đến là vấn đề thiếu thông tin, tài liệu về các thiết bị máy móc của nhà máy, đa số chỉ có bản vẽ kỹ thuật. Vì thế, khi thực hiện công tác phục hồi, bảo dưỡng, anh em Vietsovpetro phải vừa mày mò tìm hiểu, vừa làm.
"Nhà máy Ethanol Bình Phước do OBF làm chủ đầu tư. Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) chiếm cổ phần chi phối (49%), Công ty LICOGI 16 (22%) và PVOIL (29%). Đến tháng 9-2014, Tập đoàn Itochu đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Công ty Toyo Thái Lan."
Còn nhớ khi chúng tôi hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tham gia đợt bảo dưỡng Nhà máy NLSH Bình Phước thời gian qua với thợ sửa chữa cơ khí Nguyễn Tiến Hưng, anh nhớ ngay đến một kỷ niệm liên quan đến máy nén mà anh đã xử lý trước đó.
Chuyện là, khi anh nhận bảo dưỡng thì máy đã được tháo bung ra từng bộ phận. Song, để lắp ráp, khôi phục nó là một cuộc “vật lộn” thật sự vì anh không có gì trong tay ngoài bản vẽ kỹ thuật của máy. “Nhưng cuối cùng thì máy nén đã được khôi phục thành công. Khi vận hành thử, máy chạy rất êm, đúng thông số kỹ thuật. Anh em ở nhà máy rất vui, đương nhiên bản thân tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng”, anh Hưng kể lại.
Anh Phúc cho biết, ban đầu anh và mọi người cũng khá lo lắng vì điều kiện làm việc ở đây khó khăn và thiếu thốn đủ thứ. Anh liên tục động viên anh em phải tự tin, cố gắng với quyết tâm hoàn thành công việc để nhà máy sớm được đưa vào hoạt động trở lại. Nhờ sự đoàn kết của mọi người cùng sự phân công, phối hợp nhuần nhuyễn, dần dần mọi việc được đưa vào tầm kiểm soát.
Tháng 3 là tháng cao điểm mùa nắng ở miền Nam nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng. Nắng ở Bình Phước gay gắt như thiêu đốt. Đợt bảo dưỡng, sửa chữa Nhà máy NLSH Bình Phước rơi đúng vào thời điểm này. Hầu hết các hạng mục phải làm ngoài trời hoặc trong bồn chứa lớn. Dưới cái nắng lên đến 37-38oC, ai nấy cũng đều mồ hôi nhễ nhại, da cháy bỏng. Nhưng không vì thế mà công việc bị gián đoạn.
Anh Đậu Xuân Phúc (phải) kiểm tra công tác bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy NLSH Bình Phước
Anh em có nói vui rằng, để biết được một người đã thay đổi như thế nào sau đợt bảo dưỡng này thì hãy xem hình hài họ trước và sau khi đến đây. Có nghĩa là sau 1 tháng đội nắng làm việc ngoài công trường nhà máy, anh em đã đen sạm, hốc hác đi rất nhiều. Nhưng cũng rất may mắn là không ai gặp vấn đề gì về sức khỏe, không ai phải xin nghỉ vì mệt mỏi hay ốm đau.
Hình ảnh anh em hăng say làm việc ngoài công trường giữa trưa nắng gắt, hay có những lúc không chịu nổi nắng nóng, anh em buộc phải kiếm đồ che chắn để tiếp tục làm việc... đã gây ấn tượng mạnh với người Chỉ huy trưởng công trường. Anh Phúc hiểu rằng, ở đây ai cũng cố gắng hết sức mình vì tiến độ công việc, vì trách nhiệm của “đàn anh” trong nghề. Mọi người làm hầu như không có ngày nghỉ, như anh Tiến Hưng hơn 1 tháng làm việc tại đây nhưng cũng chỉ mới nghỉ được duy nhất 1 ngày Chủ nhật, cũng chẳng đủ thời gian về thăm gia đình.
Tính ra, làm việc ở đây còn khắc nghiệt hơn làm ngoài biển, bởi mỗi ca đi giàn chừng 15-20 ngày là anh em được về nhà. Còn anh Hưng đi 1 tháng chưa về. Anh Hưng có nói, anh rất nhớ nhà. Nhưng nói là vậy, chứ anh em đã thống nhất là tạm gác chuyện riêng tư để tập trung hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất có thể.
Không những làm liên tục các ngày mà ở công trường nhà máy, mọi người còn tranh thủ giờ nghỉ trưa để làm việc. Hôm chúng tôi xuống nhà máy và ghé thăm phòng làm việc của đội Vietsovpetro thì mới biết rằng, sau khi làm việc ngoài công trường, giờ nghỉ của các anh dành để họp bàn công việc, chỉ dành chừng 30 phút để ăn trưa. Như thế để thấy rằng, áp lực tiến độ căng thẳng đến mức nào và qua đó cũng thấy được tinh thần quyết tâm cho công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy của anh em Vietsovpetro cao ra sao.
Hôm chúng tôi đến nhà máy là ngày 25-4, các hạng mục đã hoàn thành trên 90%, đã và đang được tiến hành vận hành thử với dung môi là nước. Theo anh Phúc, tính đến thời điểm đó, công tác bảo dưỡng, sửa chữa Nhà máy NLSH Bình Phước đã diễn ra thành công tốt đẹp, đúng theo một số tiêu chí đã đề ra, đó là: An toàn, chất lượng, tiến độ và tiết kiệm.
Công tác bảo dưỡng đã diễn ra an toàn tuyệt đối, không có vấn đề gì liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người. Đây cũng chính là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình làm việc. Hằng ngày, trước khi anh em bắt tay vào làm việc đều có sự trao đổi để thống nhất cách làm, những quy định an toàn lao động được kiểm soát rất chặt chẽ.
Nói thêm về tiêu chí chất lượng, dĩ nhiên khi nhà máy vận hành trở lại thì mới có câu trả lời chính xác được, song anh em Vietsovpetro tỏ ra rất tự tin bởi với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và thợ giỏi nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, vấn đề chất lượng đối với các hạng mục sau bảo dưỡng, sửa chữa là bảo đảm. Điều này đã được chứng minh qua kết quả tốt đẹp từ quá trình vận hành chạy thử vừa qua.
Một góc Nhà máy NLSH Bình Phước
Quan trọng hơn, người Vietsovpetro còn làm bằng cả cái tâm chứ không phải cho xong việc rồi về, đó là ghi nhận từ phía lãnh đạo nhà máy. Không chỉ làm tốt phần công việc trong gói thầu của mình, những “đàn anh” như anh Tiến Hưng còn nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn cho kỹ sư, công nhân trẻ ở nhà máy về mọi mặt. Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn làm việc cùng nhau, giữa đội ngũ Vietsovpetro và nhà máy đã có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ. Đó cũng chính là một tiền đề quan trọng giúp cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy diễn ra thành công tốt đẹp, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Công tác bảo dưỡng, sửa chữa của Vietsovpetro diễn ra đúng tiến độ đề ra, kết thúc giai đoạn 1 vào ngày 27-4, bảo đảm tiết kiệm tối đa chi phí với tinh thần được quán triệt ngay từ đầu: Tiết kiệm nhưng bảo đảm chất lượng.
Chúng tôi hỏi anh Phúc về cảm xúc khi được lãnh đạo PVN ghi nhận về sự “ra tay nghĩa tình” trong công tác bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy NLSH Bình Phước, anh Phúc cho biết, anh em Vietsovpetro tham gia bảo dưỡng ở nhà máy ai cũng cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Tuy nhiên, điều gọi là “ra tay nghĩa tình” đó là sự ghi nhận từ lãnh đạo Tập đoàn, từ phía đối tác, chứ bản thân anh khi nhận nhiệm vụ làm chỉ huy công trường ở đây và các anh em Xí nghiệp Cơ - Điện đều không nghĩ đến.
Anh Phúc tâm niệm, đây là nhiệm vụ được lãnh đạo giao phải hoàn thành tốt. Đó cũng là trách nhiệm để xứng đáng với niềm tin, với hình ảnh Vietsovpetro là “người anh cả” trong ngành Dầu khí. Bản thân anh Phúc và anh em Vietsovpetro đều mong muốn hoàn thành tốt công tác bảo dưỡng sửa chữa để nhà máy sớm vận hành trở lại, đón thời cơ về nhu cầu xăng sinh học của thị trường tăng cao.
Cùng suy nghĩ, anh Tiến Hưng chân thành nói với chúng tôi rằng, cùng là anh em trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bản thân anh cố gắng hết mình, đóng góp một phần công sức nhỏ cùng mọi người hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa, sớm đưa nhà máy vào vận hành trở lại. “Khi đó, anh em ở nhà máy có việc làm, có thu nhập ổn định”, anh Hưng đã nghĩ đơn giản như vậy mà tận lực làm việc trong cả tháng vừa qua ở Nhà máy NLSH Bình Phước.
Người ta hay nói: “Làm anh khó đấy, phải đâu chuyện đùa…”, rõ ràng, Vietsovpetro đã chứng tỏ mình xứng đáng là “người anh cả” trong ngành Dầu khí Việt Nam, trách nhiệm và nghĩa tình!
"Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa khẳng định: Với vai trò nhà thầu gói bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy, Vietsovpetro cam kết nỗ lực hoàn thành gói thầu trước tháng 5-2018 và sẽ tiếp tục đồng hành cùng OBF/PVOIL trong giai đoạn khởi động, vận hành lại nhà máy."